Chờ trong giây lát...
Project AnNa
Project AnNa
AnNa ra đời từ năm 2017 với sứ mệnh thúc đẩy sự tham gia của người lớn và trẻ em vào trải nghiệm Học & Chơi sáng tạo và khoa học để con trẻ tự do khám phá và học tập trong không gian an toàn,...
Điện thoại:
(+84) 90 410 8896

“Phá khuôn mẫu giới – Ươm mầm nghề ước mơ”

“Phá khuôn mẫu giới – Ươm mầm nghề ước mơ” là chuỗi chương trình Giáo dục trải nghiệm do dự án AnNa phối hợp với Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD), tổ chức Mirror Mirror cùng với Công ty EPAM Việt Nam đồng tổ chức.

Chương trình được tài trợ toàn phần bởi Công ty EPAM Việt Nam – một trong những công ty hàng đầu thế giới về phát triển phần mềm và kỹ thuật số.

Chương trình hướng đến 2 nhóm đối tượng:

20 học sinh trường THCS Hermann Gmeiner: Trẻ em từ 12-15 tuổi, có hoàn cảnh đặc biệt tại Làng Trẻ em SOS.

15 giáo viên tại trường THCS Hermann Gmeiner.

Chương trình này nhằm giảm thiểu sự phân biệt và phân luồng nghề nghiệp dựa trên giới tính, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trai và trẻ em gái trong lĩnh vực công nghệ đồng thời đóng góp vào việc thực hiện các khuyến nghị của UN Women về bình đẳng giới trong việc làm.

Sự hợp tác của các bên nhằm hướng đến các mục tiêu sau:

Tăng cơ hội tiếp cận trải nghiệm STEM và ươm mầm ước mơ nghề nghiệp cho 20 trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, một cách công bằng và chất lượng.

-Cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết cho 20 trẻ em, giúp thúc đẩy giáo dục có chất lượng và hướng tới phát triển bền vững thông qua các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và bình đẳng giới.

-Tập huấn cho 15 giáo viên để phá bỏ định kiến giới trong hướng nghiệp cùng học sinh.

Chương trình sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày:

Ngày 30/09/2023: Chương trình hội thảo chủ đề “Phá bỏ định kiến giới, ươm mầm ước mơ” dành cho học sinh.

Ngày 14/10/2023: Trải nghiệm “Nghề IT – Company Tour: Điều em thích – Nghề ước mơ” dành cho học sinh và cán bộ xã hội tại Công Ty EPAM Việt Nam.

Ngày 07/10/2023: Chương trình hội thảo chủ đề “Nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp của em” dành cho giáo viên.

Chương trình hội thảo chủ đề "Phá bỏ định kiến giới, ươm mầm ước mơ"

Đây là ngày hoạt động đầu tiên trong chuỗi chương trình Giáo dục trải nghiệm “Phá khuôn mẫu giới – Ươm mầm nghề ước mơ”. Hội thảo này dành cho 20 học sinh đang học ở trường Hermann và sinh sống ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp.

Hội thảo đã đạt được các mục tiêu như mong đợi chính là giúp các em học sinh hiểu rõ về định kiến giới, nhận diện các khuôn mẫu giới trong xã hội từ đó phá vỡ các khuôn mẫu này và ươm mầm ước mơ nghề nghiệp của bản thân.

Hội thảo bao gồm 4 hoạt động chính:

Dán nhãn

Thông qua hoạt động này, các em đã nhận ra rằng định kiến giới có thể tồn tại ở mọi nơi trong cuộc sống, từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Xem video

Hoạt động này nhằm giúp các em nhận ra được các khuôn mẫu giới trong cuộc sống, trong các lĩnh vực nghề nghiệp.

Phỏng vấn nhanh

Thông qua các câu hỏi và các phần thảo luận, các em hiểu rằng mỗi người đều có sở thích và ước mơ riêng, không bị định kiến giới chi phối.

Cây tự tin

Sau khi hoàn thành “Cây tự tin”, các em có thể xác định được điểm mạnh, sở thích, năng lực của bản thân.

Buổi Workshop không chỉ giúp các em khám phá và thảo luận về những định kiến giới thường gặp trong các ngành nghề, mà còn khuyến khích các em nhận ra rằng không có giới hạn nào có thể cản trở ước mơ nghề nghiệp của mình. Mỗi cá nhân đều có quyền tự do lựa chọn và theo đuổi những đam mê và ước mơ mà mình muốn, bất kể giới tính.

Chương trình hội thảo chủ đề "Nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp của em"

Tiếp nối chuỗi chương trình, hội thảo dành cho 15 giáo viên đang công tác tại trường Hermann đã được tổ chức nhằm mục đích hỗ trợ giáo viên nâng cao nhận thức về giáo dục giới tính và hướng nghiệp, từ đó có thể hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện và theo đuổi ước mơ nghề nghiệp của bản thân.

Các hoạt động chính của buổi hội thảo bao gồm:

Vẽ chân dung của con

Giáo viên phác hoa về hình ảnh người học sinh như mong đợi về tính cách, sở thích và trang phục. Các giáo viên được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm sẽ có 1 độ tuổi và giới tính khác nhau. Sau khi hoàn thành, từng nhóm sẽ trình bày về phần làm bài của nhóm mình. Từ hoạt động này, các giáo viên đã nhận ra rằng định kiến giới có thể tồn tại ngay trong suy nghĩ của mỗi người một cách vô thức mà có thể chúng ta không nhận ra.

Phân thẻ nghề nghiệp theo giới tính

Hoạt động này nhằm giúp giáo viên nhận ra được các khuôn mẫu trong nghề nghiệp và có rất nhiều nghề nghiệp bị định kiến giới. Chẳng hạn như bác sĩ, kỹ sư thường được coi là nghề của nam giới. Còn y tá, thư ký, giáo viên là nghề của nữ giới.

Cây vấn đề

Sau khi hoàn thành cây vấn đề, thầy cô đã chia sẻ rất nhiều vấn đề mà họ gặp phải:

– Học sinh còn nhiều định kiến giới.

– Giáo viên còn thiếu kiến thức về giáo dục giới tính và hướng nghiệp.

– Cơ sở vật chất và tài liệu dạy học còn thiếu.

Thông qua hoạt động này giáo viên có thể nhận diện vấn đề đang gặp phải trong quá trình dạy giáo dục giới tính và hướng nghiệp cho học sinh.

Thảo luận nhóm

Tại hoạt động này, các thầy cô sẽ trao đổi và thảo luận để tìm hiểu về các đặc điểm phát triển tâm lý lứa tuổi và 8 trí thông minh. Điều này sẽ giúp họ có thể thiết kế chương trình giáo dục giới tính và hướng nghiệp phù hợp với từng lứa tuổi và năng lực của học sinh.

Hai buổi hội thảo trên diễn ra thành công tốt đẹp và là bước chuẩn bị để các em học sinh tham gia buổi trải nghiệm thực tế được tốt nhất.

Trải nghiệm "Nghề IT - Company Tour: Điều em thích - Nghề ước mơ" tại công ty epam việt nam

Đây là hoạt động cuối cùng của chuỗi chương trình, nhằm giúp các em học sinh tiếp cận với thực tế. Mục đích của buổi trải nghiệm thực tế là giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về ngành công nghệ thông tin (CNTT), từ đó phá vỡ định kiến giới và nuôi dưỡng ước mơ trở thành những kỹ sư, nhà phát triển phần mềm trong tương lai.

Nhằm phá vỡ rào cản giữa các bạn học sinh và nhân viên EPAM, chương trình dành một khoảng thời gian dài để tham gia các hoạt động phá băng.

Chương trình bắt đầu bằng hoạt động khởi động, trong đó các em học sinh được chia thành các nhóm, cùng nhau tạo khẩu hiệu và tên nhóm. Sau đó, các em được tham quan không gian làm việc của EPAM, được gặp gỡ và trò chuyện với các nhân viên đang làm việc tại đây.

Tại hoạt động này, các em học sinh được tham gia hai trò chơi là Lập trình robotDẫn rùa tìm ngọc. Hai trò chơi này đều giúp các em rèn luyện tư duy logic và khả năng lập trình.

Trong trò chơi Lập trình Robot, các bạn sẽ sử dụng các câu lệnh để yêu cầu Robot thực hiện một hành động. Tuy nhiên, các câu lệnh phải hợp lý, theo trình tự và phải rõ ràng để Robot có thể thực hiện.

Hoạt động cuối cùng cũng là hoạt động được đánh giá là quan trọng nhất “Phát triển sáng kiến”. Tại đây các bạn sẽ cùng thảo luận, làm việc nhóm để đưa ra được những yếu tố, điều kiện làm việc, môi trường làm việc bình đẳng, đa dạng, hòa nhập, thoải mái cho mọi người khi làm việc trong lĩnh vực công nghệ nói riêng và các lĩnh vực công việc khác nói chung.

Thông qua buổi trải nghiệm thực tế, các em đã có thể hình dung rõ hơn về môi trường làm việc trong ngành Công nghệ thông tin. Các em cũng đã có thể hiểu rõ hơn về những khó khăn và cơ hội trong ngành. Đặc biệt, buổi trải nghiệm thực tế đã giúp các em học sinh phá vỡ định kiến giới, khẳng định rằng bất cứ ai, dù là nam hay nữ, đều có thể theo đuổi ước mơ trở thành một kỹ sư, nhà phát triển phần mềm.

Em T.T.A. (2008), chia sẻ: “Từ hoạt động mà anh chị đã tổ chức, em đã biết thế nào là định kiến giới và cách thức nó thể hiện trong cuộc sống”.

Em B.T.D.H. (2006), chia sẻ: “Đó giờ em cứ nghĩ chỉ có các bạn trai mới có thể học công an, kỹ sư nhưng qua buổi này (Hội thảo dành cho học sinh) em nhận ra em có thể theo đuổi bất kỳ nghề nào mà em muốn, em ước mơ”.

Thầy Nhan Toàn Chung (giáo viên chủ nhiệm lớp 7/1), chia sẻ: “Tham gia buổi hội thảo này đã giúp tôi nhận ra rằng việc giáo dục giới tính và hướng nghiệp cho học sinh là rất quan trọng”.

Cô Nguyễn Thị Bích Trình (giáo viên – bí thư Đoàn Trường), chia sẻ: “Tôi sẽ áp dụng những kiến thức này vào quá trình dạy học và hoạt động Đoàn của mình của mình để giúp học sinh phát triển toàn diện và theo đuổi ước mơ nghề nghiệp của bản thân”.

Em N.D.K. (2009) chia sẻ: “Thông qua hai trò chơi Lập trình Robot và Dẫn rùa tìm ngọc, tụi em đã học được các kỹ năng làm việc nhóm; Tư duy logic; Tư duy lập trình theo các bước; Kỹ năng quan sát và ra quyết định; Kỹ năng giải quyết vấn đề”.